Monday, July 31, 2017

CHỦ NGHĨA TRỌNG THƯƠNG PHẦN 1/3

ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU
Chủ  nghĩa  trọng  thương  là  tư  tưởng  kinh  tế  đầu  tiên  của  giai  cấp  tư  sản ra đời trước hết ở Anh vào khoảng những năm 1450, phát triển tới giữa thế kỷ thứ XVII. Chủ nghĩa trọng thương là lý luận kinh tế đầu tiên của giai cấp tư sản (tầng  lớp tư sản thương nhân trong điều kiện chế độ phong kiến tan rã nhưng giai cấp phong kiến vẫn nắm địa vị thống trị, giai cấp tư sản đang lên là giai cấp tiên tiến, có
cơ sở kinh tế tương đối mạnh nhưng chưa nắm quyền thống trị. Chủ nghĩa trọng thương trực tiếp phản ánh lợi ích của giai cấp tư sản thương nghiệp trong thời kỳ tích luỹ nguyên thuỷ của chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng kinh tế chủ yếu của chủ nghĩa trọng thương.
Thứ nhất, họ đánh giá cao vai trò của tiền tệ (vàng, bạc): Chủ nghĩa trọng thương coi tiền tệ (vàng bạc) là tiêu chuẩn cơ bản của của cải. Theo họ “một xã hội giàu có là có được nhiều tiền”, “sự giàu có tích luỹ được dưới hình thái tiền tệ là sự giàu có muôn đời vĩnh viễn”. Họ đã đồng nhất tiền với của cải và sự giàu có của một quốc gia, quốc gia càng nhiều tiền thì càng giàu. Tiền mới là tài sản thực sự của một quốc gia, hàng hóa chỉ là phương tiện làm tăng khối lượng tiền tệ. Làm kinh tế tức là phải tích lũy tiền.Từ đó những người theo chủ nghĩa trọng thương phê phán những hoạt động không dẫn đến tích lũy giá trị tiền tệ. Họ coi tiêu dùng xa xỉ phẩm là tiêu cực, coi nông nghiệp chỉ là nghề trung gian giữa cái tích cực và cái tiêu cực vì không làm tăng thêm khối lượng tiền tệ cho quốc gia cũng không làm tổn hại tới khối lượng tiền tệ của quốc gia. Tiền đã được dùng để đánh giá tính hữu ích của mọi hình thức hoạt động nghề nghiệp. Một nhà tư ưởng của thời kỳ trọng thương là David Hume viết: “Khi bất kỳ số lượng tiền tệ nào được nhập vào một nước, thì trước tiên không nên phân tán cho nhiều người, mà phải được tập trung vào kho bạc của một vài người, những người biết sử dụng nó một cách có lợi nhất”.
Thứ hai, để có tích luỹ tiền tệ phải thông qua hoạt động thương mại, mà trước hết là ngoại thương, họ cho rằng: “Nội thương là hệ thống ống dẫn, ngoại thương là máy bơm”, muốn tăng của cải phải có ngoại thương dẫn của cải qua nội thương”. Từ đó đề ra nhiệm vụ cho ngoại thương là phải xuất siêu mới đạt được mục đích của nền kinh tế, mới làm tăng khối lượng tiền tệ cho quốc gia. Đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa trọng thương là lĩnh vực lưu thông, mua bán trao đổi. Theo Montchrestien: “Kinh tế chính trị là khoa học về của cải thương nghiệp mà nhiệm vụ của nó là bán nhiều, mua ít”.
Thứ ba, họ cho rằng, lợi nhuận là do lĩnh vực lưu thông buôn bán, trao đổi sinh ra, nhờ việc mua rẻ, bán đắt. Do đó chỉ có thể làm giàu thông qua con đường ngoại thương, bằng cách hy sinh lợi ích của dân tộc khác (mua rẻ, bán đắt, mua ít, bán nhiều).

Thứ tư, tích luỹ tiền tệ chỉ thực hiện được nhờ sự giúp đỡ của nhà nước. Họ đòi hỏi nhà nước phải tham gia tích cực vào đời sống kinh tế để thu hút tiền tệ về nước mình càng nhiều càng tốt, tiền ra khỏi nước mình càng ít càng phát triển. Chủ nghĩa trọng thương rất đề cao vai trò của nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để phát triển kinh tế. Bởi vì đa số những biện pháp họ đề xướng đều phải dựa vào sự ủng hộ, giúp đỡ của nhà nước mới thực hiện được. Ví dụ như tích lũy tiền tệ, điều tiết lưu thông tiền tệ, khuyến khích bảo trợ công trường thủ công, xây dựng hàng hải, thủy quân để xâm chiếm cướp bóc thuộc địa. Trong điều kiện mới ra đời còn non yếu, chủ nghĩa tư bản chỉ có thể tồn tại và phát triển được khi có sự ủng hộ giúp đỡ của nhà nước.