Friday, August 4, 2017

HỌC THUYẾT TƯ SẢN CỔ ĐIỂN ANH-PHẦN 6/6

Các quan điểm kinh tế của Jean Baptiste Say (1767 – 1832)
Sinh ra trong gia đinh thương gia lớn ở Lyon (Pháp), từng ở Anh. Năm 1799 làm tổng biên tập báo “Tuần báo triết học, văn học và chính trị”. Khi Napoleon lên cầm quyền, ông được mời đến làm việc ở Bộ Tài chính. Năm 1219 là giáo sư kinh tế chính trị đại học Tổng hợp Paris và nhiều trường đại học khác ở Pháp. Tác phẩm chính: “Bàn về khoa kinh tế chính trị” (1803), “Vấn đề kinh tế chính trị” hay còn gọi là “Kinh tế học đại cương” (1817), từ những năm 1828 – 1830 xuất bản bộ “Kinh tế học toàn tập” gồm 6 tập. Điểm nổi bật trong phương pháp luận của J.B.Say là áp dụng phương pháp chủ quan tâm lý trong đánh giá các hiện tượng là quá trình kinh tế, phủ nhận các quy luật kinh tế
khách quan. Muốn tước bỏ tính chất giai cấp của kinh tế chính trị, tách chính trị khỏi kinh tế. Sau này các nhà kinh tế tư sản tiếp tục phát triển. Ông phân loại một cách tầm thường kinh tế chính trị: Chia kinh tế chính trị thành bốn phần là sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng tách rời nhau, nghiên cứu tách biệt và không quan tâm đến quan hệ người với người. Đặc biệt khi phân tích sản xuất chỉ phân tích về mặt kĩ thuật và đi đến kết luận quy luật sản xuất là vĩnh cửu (có nghĩa là đồng nhất sản xuất tư bản chủ nghĩa với sản xuất nói chung)
Lý luận giá trị
Đặc điểm nối bật của lý luận giá trị là xa rời thuyết giá trị lao động, ủng hộ thuyết giá trị ích lợi hay giá trị chủ quan (“Thuyết về tính hữu dụng”). Theo đó, sản xuất tạo ra tính hữu dụng (ích lợi – giá trị sử dụng), còn tính hữu dụng lại truyền giá trị cho các vật; giá cả là thước đo của giá trị, còn giá trị là thước đo của ích lợi, ích lợi của sản phẩm càng nhiều thì giá trị của sản phẩm càng cao. Từ đó giá trị mang tính chủ quan, đối với người này có thể có giá trị cao nhưng với người khác thì giá trị lại thấp. Ông đã không phân biệt giá trị sử dụng và giá trị. Theo Say: giá trị hàng hóa là tùy tiện, không xác định được, nó được quyết định bởi quan hệ cung cầu (chỉ được xác định trong trao đổi trên thị trường)
Lý luận thu nhập (“Thuyết ba nhân tố”) – trên cơ sở thuyết giá trị - ích lợi:
Theo Say, có ba nhân tố tham gia vào sản xuất là lao động, tư bản và ruộng đất, mỗi nhân tố có ích lợi riêng và đều có vai trò như nhau trong việc tạo ra giá trị, do đó tạo ra ba nguồn thu nhập cho ba loại người đóng góp (tiền lương, lợi nhuận, địa tô), từ đó chứng minh sự phân phối là bình đẳng, tư bản thu lợi nhuận là hợp lẽ, không hề có quan hệ bóc lột. Ông cho rằng công nhân làm việc đơn giản, thô kệch nên nhận được “cái mà công nhân cần để sống”, kiên quyết phản đối nâng lương cao cho công nhân, còn các nhà tư bản và kinh doanh nhận công lao do “tài năng…tinh thần cần cù và công tác lãnh đạo của họ”. Theo J.B.Say: “Lợi nhuận là hiệu suất đầu tư của tư bản mang lại” (không phải do lao động). Theo ông, tư bản tăng dẫn đến sản phẩm tăng, do đó giá trị cũng tăng. Ông phân biệt nhà tư bản là người có tư bản cho vay để thu lợi tức với nhà kinh doanh là người mạo hiểm, dám chấp nhận nguy hiểm trong cuộc chơi, là người vay tư bản, thuê công nhân, sản xuất hàng hóa bán trên thị trường. Do đó nhà kinh doanh cũng lao động và lợi nhuận do anh ta có chính là tiền công trả cho công quản lý kinh doanh.
Thuyết bù trừ
Nhằm giải thích nạn thất nghiệp trong xã hội tư bản (che đậy hậu quả việc sử dụng máy móc theo lối tư bản chủ nghĩa) Ông cho rằng: Trong thời kỳ đầu việc sử dụng máy móc “có một số điều bất tiện” (gạt bỏ một bộ phận công nhân, làm họ tạm thất nghiệp) nhưng cuối cùng thì công nhân vẫn có lợi vị năng suất lao động tăng, giá cả hàng hóa sẽ rẻ đi, sản xuất phát triển thì công ăn việc làm sẽ tăng, lại thu hút lao đông. Vì thế công nhân là giai cấp quan tâm đến thành tựu khoa học – kĩ thuật của sản xuất nhất. Thực chất là muốn tuyên truyền cho sự hòa hợp lợi ích giữa tư bản và lao động.
+ “Thuyết tiêu thụ” (Lý thuyết thực hiện)
Lý thuyết này nhằm chứng minh rằng trong chủ nghĩa tư bản không có khủng hoảng sản xuất thừa, chỉ có thừa bộ phận. Ông đưa ra “Quy luật thị trường” luôn có:
Tổng cung = Tổng cầu

Theo Say: Sản phẩm được trao đổi bằng sản phẩm, người ta chỉ có thể mua một hàng hóa bằng tiền bán một hàng hóa khác. Do đo mọi sản phẩm sản xuất ra không những tạo ra lượng cung mà còn tạo ra lượng cầu, nó “tự mở thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm khác”. Số người sản xuất ngày càng nhiều thì tiêu thụ sản phẩm càng dễ dàng (Người bán đồng thời là người mua). Khủng hoảng thương nghiệp là hiện tượng nhất thời, gắn bó với những tác động của các biện pháp có tính chất bên ngoài (tai họa thiên nhiên hay chính trị, lòng tham hay sự bất lực của chính phủ). Sau đó Say đi đến kết luận là khủng hoảng kinh tế trong chủ nghĩa tư bản là không có, chỉ có sản xuất thừa bộ phận có thể giải quyết được. Thực tế đã chứng minh nhận định trên là sai lầm (những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ bắt đầu từ 1825 đến nay)