Wednesday, August 2, 2017

CHỦ NGHĨA TRỌNG THƯƠNG-PHẦN 2/3

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Thời kỳ đầu – chủ nghĩa trọng thương sơ kỳ (Monetary System):
Từ giữa thế kỷ thứ XV kéo dài đến giữa thế kỷ thứ XVI, đây là thời kỳ nền kinh tế (trước hết là ở nước Anh) chưa phát triển. Tư tưởng trung tâm của thời kỳ này là: bảng hệ thống (cân đối) tiền tệ. Theo họ “cân đối tiền tệ” chính là ngăn chặn không cho tiền tệ ra nước ngoài, khuyến khích mang tiền từ nước ngoài về nên còn gọi là
chủ nghĩa trọng tiền. Để thực hiện nội dung của bảng “cân đối tiền tệ” họ đòi nhà nước phải tích cực điều tiết lưu thông tiền tệ. Họ chủ trương thực hiện chính sách hạn chế tối đa nhập khẩu hàng ở nước ngoài, lập hàng rào thuế quan cao để bảo vệ hàng hoá trong nước, giảm lợi tức cho vay để kích thích sản xuất và nhập khẩu, bắt thương nhân nước ngoài đến buôn bán phải sử dụng số tiền mà họ có mua hết hàng hoá mang về nước họ. Để thu hút tiền tệ từ nước ngoài, nhiều nước đã phải nhờ tới biện pháp phá giá đồng tiền của nước mình, họ lầm tưởng rằng sự phá giá đồng tiền của nước mình sẽ làm cho các thương nhân ngoại quốc mua hàng của họ nhiều hơn và sẽ có lợi cho nước họ. Những người trọng thương ở giai đoạn này cũng tỏ ra mơ hồ khi nói về mối quan hệ giữa thương nghiệp và lưu thông tiền tệ. Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa trọng tiền là tìm mọi cách để làm khối lượng tiền của nước mình tăng lên hoặc giữ cho khối lượng tiền tệ đó không bị hao đi. Đúng như Engels nói: “Các dân tộc chống đối nhau như những kẻ bủn xỉn, hai tay khư khư ôm giữ túi tiền quí báu, nhìn sang người láng giềng với cặp mắt ghen tị đa nghi”. Lúc này ở các nước châu Âu quan niệm “Hạnh phúc do vàng” rất phổ biến và người ta đã áp dụng chính sách kho vàng. Do đó trong vòng 100 năm số vàng ở châu Âu tăng lên 8 lần. Giai đoạn đầu chính là giai đoạn tích luỹ tiền tệ của chủ nghĩa tư bản, với khuynh hướng chung là biện pháp hành chính, tức là có sự can thiệp của nhà nước đối với vấn đề kinh tế. Với chính sách của những người trọng thương giai đoạn này đã dẫn đến sự kìm hãm sự phát triển của thương nghiệp thế giới. Và khi trình độ phát triển cao hơn, thì những người trọng thương cũng thay đổi cương lĩnh của mình – chủ nghĩa trọng thương chuyển sang giai đoạn sau.
Thời kỳ sau – chủ nghĩa trọng thương chính thống (Mercantilism):
Từ cuối thế kỷ thứ XVI kéo dài đến giữa thế kỷ thứ XVIII, đại biểu xuất sắc của thời kỳ này Là Thomas Mun là nổi tiếng nhất với tác phẩm “Sự giàu có của nước Anh trong ngoại thương” được coi như cuốn kinh thánh của chủ nghĩa trọng thương. Thời kỳ này chủ nghĩa trọng thương được coi là chủ nghĩa trọng thương thực sự: Họ không coi “cân đối tiền tệ” là chính mà coi “cân đối thương nghiệp” (thương mại) là chính, cấm xuất khẩu công cụ và nguyên liệu, thực hiện thương mại trung gian, thực hiện chế độ thuế quan bảo hộ kiểm soát xuất nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu và bảo vệ hàng hoá trong nước, và các xí nghiệp công
nghiệp - công trường thủ công. Học thuyết tiền tệ không còn phù hợp do sản xuất hàng hóa phát triển, ngoài lưu thông tiền tệ còn phải chú ý đến lưu thông hàng hóa. Đây là một bước phát triển
trong việc nhận thức các vấn đề kinh tế. Theo Thomas Mun: “Thương mại là hòn đá thử vàng đối
với sự phồn vinh của mỗi dân tộc”
Quan điểm của chủ nghĩa trọng thương ở giai đoạn này là mở rộng xuất khẩu, tán thành nhập khẩu hàng nước ngoài với quy mô lớn nhưng không nhập hàng tiêu dùng hay xa xỉ. Họ tán thành nhập nguyên liệu về chế biến lại để xuất khẩu với số lượng lớn hơn. Làm như vậy thì tự nhiên vàng và bạc sẽ chạy vào trong nước mà không cần những biện pháp hành chính đặc biệt nào cả. Những người trọng thương ở giai đoạn này đưa ra nguyên tắc bán nhiều, mua ít, coi trọng bảng cân đối thương mại xuất siêu. Theo Thomas Mun:  “Chúng ta phải thường xuyên giữ vững nguyên tắc là hàng năm bán cho người nước ngoài số lượng hàng hóa lớn hơn số lượng chúng ta phải mua của họ” Quan điểm trọng thương cũng chủ trương tự do lưu thông tiền tệ, lên án việc tích trữ tiền, không cấm xuất khẩu tiền (vàng và bạc). Theo Thomas Mun: xuất khẩu tiền là thủ đoạn để tăng thêm của cải, phải đẩy mạnh lưu thông tiền tệ, đồng tiền có vận động mới sinh lời. Khuyến khích phát triển sản xuất, đặc biệt khuyến khích công nghiệp sản xuất hàng xuất
khẩu. Nhà nước đưa ra các chính sách như giúp đỡ vốn cho người sản xuất, miễn, giảm thuế xuất khẩu, thu hút thợ giỏi từ nước ngoài. Sự khác nhau giữa hai giai đoạn của chủ nghĩa trong thương. Giữa hay giai đoạn của chủ nghĩa trọng thương hay giữa hai bảng cân đối: cân đối tiền tệ hay cân đối thương mại có nhiều điểm khác nhau mặc dù nó có cùng mục đích là tích lũy giá trị tiền tệ. Nếu chủ nghĩa trọng thương ở giai đoạn sơ kỳ (giai đoạn đầu) chủ trương cất giữ tiền thì trái lại chủ nghĩa trọng thương chính cống (giai đoạn sau) đã coi tiền như tư bản tiền tệ, cần phải ném chúng vào lưu thông (hoạt động thương nghiệp) để thu lợi nhuận. Họ không cấm xuất khẩu tiền như ở giai đoạn đầu mà chỉ đưa ra nguyên tắc chung là bán nhiều mua ít. Sự khác nhau cơ bản giữa hai giai đoạn của chủ nghĩa trọng thương là lý luận về lưu thông tiền tệ. Những người trọng thương ở giai đoạn sau đã phân tích được mối liên hệ giữa tiền và hàng: nếu có hàng hóa thì sẽ có tiền và lưu thông tiền tệ chỉ là sự phản ánh của lưu thông hàng hóa. Để tích lũy giá trị tiền tệ việc xử lý giá cả ở hai giai đoạn cũng khác nhau: các tác giả trọng thương ở giai đoạn đầu đòi bán hàng ra thị trường thế giới với giá cao để thu nhiều tiền về; trái lại các đại biểu trọng thương ở giai đoạn sau chủ trương hạ giá hàng để bành trướng ra thị trường thế giới. Các đại biểu trọng thương ở giai đoạn đầu chỉ biết đến chức năng phương tiện cất trữ của tiền, trái lại các đại biểu trọng thương giai đoạn sau đã hiểu được tiền vừa có chức năng phương tiện lưu thông vừa có chức năng phương tiện cất trữ. Thậm chí họ đã coi tiền như là tư bản tiền tệ. Tuy
nhiên các đại biểu trọng thương vẫn chưa giải thích được tại sao hàng hóa lại trở thành tiền và chưa giải thích được giá trị của tiền. Nhìn chung học thuyết kinh tế của chủ nghĩa trọng thương ở hai giai đoạn đều cho rằng nhiệm vụ kinh tế của mỗi nước là phải làm giàu và phải tích luỹ tiền tệ. Tuy nhiên các phương pháp tích luỹ tiền tệ là khác nhau. Vào cuối thế ký thứ XVII, khi nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản phát triển chủ nghĩa trọng thương đã đi vào con đường tan rã.
Quá trình tan rã của chủ nghĩa trọng thương:
Sự tan rã của chủ nghĩa trọng thương là một tất yếu vì:
+ Sự phát triển của lực lượng sản xuất, thời kỳ tích luỹ nguyên thuỷ của chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang thời kỳ phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa, lợi ích của giai cấp tư sản đã chuyển sang cả lĩnh vực sản xuất. Ảo tưởng làm giàu, bóc lột nước nghèo thuần tuý nhờ hoạt động thương mại không thể tồn tại. Tính chất phiến diện của chủ nghĩa trọng thương đã bộc lộ.
+ Thực tế đòi hỏi phải phân tích, nghiên cứu sâu sắc sự vận động của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa như: bản chất các phạm trù kinh tế (hàng hoá, giá trị, tiền tệ, tư bản, lợi nhuận), nội dung và vai trò của các quy luật kinh tế (quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu…). Chủ nghĩa trọng thương không giải quyết được các vấn đề kinh tế đặt ra.
+ Các chính sách theo quan điểm trọng thương đã hạn chế tự do kinh tế, mâu thuẫn với  đông đảo tầng lớp tư bản công nghiệp trong giai cấp tư sản, trong nông nghiệp, nội thương. Với sự tan rã của chủ nghĩa trọng thương, các học thuyết kinh tế tư sản cổ điển ra đời thay thế trong đó nổi bật là học thuyết của chủ nghĩa trọng nông Pháp và học thuyết kinh tế tư sản cổ điển Anh.