Friday, August 4, 2017

HỌC THUYẾT KINH TẾ CHÍNH TRỊ MARX-LENIN PHẦN 1/3

Về kinh tế
Hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp ở một loạt nước tư bản chủ nghĩa, mở đầu là ở nước Anh vào những năm 70 của thế kỷ XVIII và kết thúc vào những năm 20 của thế kỷ XIX, khi nền đại công nghiệp cơ khí được xác lập. Nó đem lại cho chủ nghĩa tư bản những kết quả sau:
- Biến lao động thủ công thành lao động máy móc và làm cho chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn công trường thủ công lên giai đoạn đại công nghiệp cơ khí.
- Làm cho chủ nghĩa tư bản chiến thắng hoàn toàn xã hội phong kiến và cho giai cấp vô sản phải phụ thuộc vào giai cấp tư sản cả về kinh tế lẫn kỹ thuật.
- Làm cho chủ nghĩa tư bản phát triển trên cơ sở vật chất - kỹ thuật của chính bản thân nó. Do vậy đến đây chủ nghĩa tư bản bộc lộ đầy đủ những mâu thuẫn và bản chất cơ bản của nó như khủng hoảng, thất nghiệp…
Về chính trị - xã hội
Đại công nghiệp cơ khí ra đời dẫn tới sự xuất hiện một giai cấp mới - giai cấp vô sản (giai cấp công nhân công nghiệp). Giai cấp này cùng với giai cấp tư sản hình thành nên hai giai cấp cơ bản trong xã hội tư bản. Giai cấp tư sản là giai cấp nắm toàn bộ tư liệu sản xuất, nắm quyền thống trị xã hội; giai cấp vô sản là giai cấp không còn tư liệu sản xuất, đi làm thuê cho giai cấp tư sản, cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, giai cấp công nhân phát triển cả về mặt số lượng và mặt chất lượng. Do bị áp bức và bị bóc lột nặng nề nên giai cấp vô sản đã từng bước đứng lên đấu tranh với giai cấp tư sản và đã trở thành những phong trào rộng lớn: phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở Lyon (Pháp); phong trào hiến chương ở Anh… Nhưng tất cả những phong trào này đều mang tính tự phát, nên một yêu cầu khách quan phải có một lý luận khoa học để dẫn đường, nhằm đưa phong trào đấu tranh của công nhân từ tự phát lên tự giác.
Về mặt tư tưởng

Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có nhiều phát minh khoa học làm cơ sở lý luận cho việc lý giải các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Đặc biệt có ba trào lưu tư tưởng lớn: Triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Đây là những trào lưu có nhiều thành tựu khoa học để các nhà kinh tế học mácxít kế thừa và phát triển. Đối với triết học cổ điển Đức: Trong phép biện chứng duy tâm của F.Hegel, chủ nghĩa duy vật siêu hình của Feuerbach, các nhà kinh tế mácxít đã khắc phục mặt duy tâm và siêu hình, đồng thời kế thưa phép biện chứng và chủ nghĩa duy vật của các ông để xây dựng nên phương pháp luận khoa học của mình, đó là phép duy vật biện chứng. Đối với kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh: các nhà kinh tế học mácxít đã kế thừa những thành tựu khoa học của trường phái tư sản cổ điển về lý luận giá trị, tiền tệ, tiền công, lợi nhuận, địa tô… Đồng thời khắc phục những hạn chế, từ đó bổ sung, phát triển làm cho những lý luận trở lên hoàn chỉnh và khoa học. Đối với chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp: các nhà kinh tế học mácxít đã khắc phục tính không tưởng của họ là dựa vào nhà nước tư sản và lòng từ thiện của các nhà tư sản để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới. Từ đó đưa chủ nghĩa xã hội không tưởng thành khoa học. Tóm lại, trên cơ sở kế thừa tinh hoa của nhân loại, kết hợp với thực tiễn của chủ nghĩa tư bản và với tài năng trí tuệ của mình Mác, Ăngghen và Lênin đã sáng lập và phát triển kinh tế chính trị mácxít.