Đặc điểm chung trong lý
thuyết của Fourier, thể hiện trong các tác phẩm của ông, là có nhiều khái niệm
mâu thuẫn nhau, có những đề nghị có tính chất hoang tưởng và có khuynh hướng đi
vào chi tiết hóa (vẽ ra rất cụ thể và tỉ mỉ, chi tiết về xã hội tương lai).
-
Lý thuyết về sự phát triển xã hội
Ông chia xã hội thành bốn
giai đoạn là: giai đoạn mông muội, giai đoạn dã man, giai đoạn chế độ gia trưởng
và giai đoạn văn minh. Mỗi giai đoạn lại được cấu thành bởi: thời thơ ấu, thời niên
thiếu, thời trưởng thành và thời già cỗi. Chủ nghĩa tư bản đã qua thời kỳ thịnh
vượng, bước vào suy vong, tiếp theo sẽ là: “nền sản xuất xã hội chủ nghĩa công
bằng, hấp dẫn”.
-
Phê phán chủ nghĩa tư bản
Theo ông, chủ nghĩa tư
bản là xã hội đã phung phí lao động dẫn tới hình thành đội quân lớn những người
không sản xuất, vì ông cho rằng chỉ có lao động thực tế cần thiết cho xã hội mới
là lao động sản xuất. Nguồn gốc của sự đau khổ là thương nghiệp tư bản chủ
nghĩa, thương nghiệp là ăn cắp, nói dối, lừa đảo, đầu cơ nâng giá… Vì vậy phải
thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa. Theo ông, sự vô chính phủ trong sản xuất sẽ đẻ
ra cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh và không tránh khỏi các cuộc khủng hoảng
cũng như sự bần cùng của những người lao động. Sự nghèo đói là do sự thừa thãi
sinh ra, nỗi bất hạnh của quần chúng là không có việc làm. Ông cho rằng, tập
trung sản xuất cao sẽ đẻ ra độc quyền tư bản và độc quyền tất yếu sẽ thay thế cạnh
tranh tự do.
-
Dự án về xã hội tương lai:
Qua các tác phẩm của
mình, ông mong muốn xây dựng một xã hội tương lai - xã hội xã hội chủ nghĩa. Ở
đó đời sống của nhân dân sã được cải thiện hoàn toàn, những tệ nạn của xã hội
tư sản không còn nữa, chế độ dựa trên nền sản xuất tập thể - hiệp hội sản xuất.
Xây dựng xã hội mới phải trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn một là “chủ nghĩa bảo
đảm, nửa hiệp hội”; giai đoạn hai là “chủ nghĩa xã hội, hiệp hội giản đơn”;
giai đoạn ba là “sự hòa hợp, hiệp hội phức tạp” Trong đó, giai đoạn một và hai
là những giai đoạn chuẩn bị những điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết,
là giai đoạn xây dựng một nền sản xuất lớn, phá vỡ sản xuất nhỏ. Giai đoạn ba
là giai đoạn phát triển cao nhất, ở đó mọi thành viên xã hội đều được phát huy
đầy đủ mọi năng lực của mình. Cơ sở để xây dựng xã hội mới là nền đại sản xuất.
Nhưng ông lại coi nông nghiệp là cơ sở của nền sản xuất xã hội, còn công nghiệp
dù quan trọng đến đâu cũng là thứ hai, giữ vai trò bổ sung cho nông nghiệp. Fourier
đã trình bày lý thuyết về “lao động hấp dẫn” và lý thuyết “cộng đoàn”
Lý thuyết “lao động hấp
dẫn”: Fourier cho rằng cần phải giải phóng con người khỏi sự nguyền rủa của
ngàn xưa (coi khinh lao động có từ thời chiếm hữu nô lệ) và giải phóng con người
khỏi lao động cưỡng bức. Dưới chủ nghĩa xã hội, lao động không những là một sự
cần thiết mà còn là nhu cầu của con người. Trong hệ thống lý luận của Fourier
có lý luận về sự ham thích (thích thú). Ở đây ông lại đi vào chi tiết hóa,
Fourier cho rằng con người có 12 thứ ham thích, trong đó có ba thứ ham thích chính:
ưa thay đổi, ưa đả kích, ưa phức tạp. Không nên kìm hãm sự ham thích của con
người mà phải biết sử dụng sự ham thích đó một cách khéo léo để biến lao động từ
cưỡng bức sang lao động hấp dẫn. Con người làm việc vì thích thú. Theo Fourier,
muốn làm được điều nói trên thì phải đem công việc canh nông thay thế cho công
việc kỹ nghệ càng nhiều càng tốt. Trong nông nghiệp, Fourier chống lại đại canh
tác (sản xuất lớn). Ông đề nghị hướng nông nghiệp vào trồng hoa, trái cây và
chăn nuôi tiểu gia súc. Tổ chức lao động thành các tốp nhỏ. Mọi người có thể
thay đổi từ tốp chuyên môn này sang tốp chuyên môn khác tùy theo sự lựa chọn của
mình. Muốn cho lao động hoàn toàn hấp dẫn phải bảo đảm phương tiện vật chất cho
mọi người, bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu cần thiết và tự do lựa chọn, di chuyển
công việc.
Lý
thuyết “cộng đoàn”
Từ việc tổ chức “lao động
hấp dẫn” phải có kế hoạch kết hợp những người lao động thành những tốp. Những
người lao động đó được gọi là “cộng đoàn” (có tài liệu gọi là công xã). Có người
gọi tổ chức “cộng đoàn” của Fourier như một khách sạn hợp tác, một khách sạn đủ
tiện nghi với sự tiêu thụ chung, ở đó người ta phục vụ lẫn nhau không phải trả
tiền. Nhà bếp tập thể được Fourier nói rất chi tiết. Fourier chủ trương xây dựng
hợp tác xã toàn diện. “Cộng đoàn” vừa là hợp tác xã sản xuất vừa là hợp tác xã
tiêu thụ. Nó được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần. Tiền lời thu được sẽ
được phân phối như sau:
Lao động: 5/12; Tư bản: 4/12; Tài năng (quản lý): 3/12
Mỗi thành viên vừa là
chủ sở hữu, vừa là người lao động và có quyền tham gia quản lý.
Mỗi người sẽ vừa là người
sản xuất vừa là người tiêu thụ. Thực tế ông đã tổ chức một số cộng đoàn nhưng
không thành công.