Karl Marx (1818-1883)
Những
nội dung cơ bảntrong bộ “Tư bản”
Quyển I: Quá trình sản
xuất của tư bản.
Để nghiên cứu quá trình
sản xuất trực tiếp, Marx đã trừu tượng quá trình lưu thông nhằm vạch rõ bản chất
cơ bản của chủ nghĩa tư bản và các phạm trù, các quy luật kinh tế của nó. Từ đó
đi vào nghiên cứu ba lý luận: lý luận giá trị, lý luận giá trị thặng dư và lý
luận tích luỹ tư bản. Lý luận giá trị được coi là cơ sở để nghiên cứu các lý luận
khác, do đó làm cho học thuyết kinh tế của Marx mang tính chất nhất quán, lôgíc
và khoa học. Lý luận giá trị thặng dư được coi là trung tâm, là viên đá tảng
trong học thuyết kinh tế của Marx. Từ lý luận giá trị thặng dư mà toàn bộ bí mật
của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được vạch trần (bản chất và quá trình vận động,
phát triển của nó). Lý luận tích luỹ là sự bổ sung, phát triển lý luận giá trị
thặng dư, vạch rõ sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Các phát minh khoa
học của Marx trong Quyển I:
- Xác định rõ đối tượng
và phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị: Đối tượng nghiên cứu của kinh
tế chính trị là mối quan hệ giữa người với người trong qúa trình sản xuất và
trao đổi; phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị là: Phương pháp duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp trừu tượng hóa khoa học (phương pháp
đặc thù của kinh tế chính trị), phương pháp lôgíc và lịch sử, phương pháp phân
tích và tổng hợp…
- Phát hiện ra tính chất
hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Marx là người đầu tiên phát hiện ra. Đó
là lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Qua đó vạch rõ chất lượng, hình thức
biểu hiện và quy luật vận động của giá trị, giá trị thặng dư, tích luỹ tư bản…
- Vạch rõ nguồn gốc bản
chất của tiền: Tiền là một hàng hóa đặc biệt, đóng vai trò vật ngang giá chung
cho tất cả các hàng hóa khác; sự xuất hiện của tiền là do qúa trình phát triển
của sản xuất và trao đổi hàng hóa.
- Phát hiện ra lý luận
giá trị thặng dư: Với phát minh này Marx đã vạch rõ được bản chất cơ bản của chủ
nghĩa tư bản, đó là quan hệ bóc lột của tư bản đối với lao động làm thuê, đồng
thời vạch ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản, đó là quy luật giá
trị thặng dư.
- Phân biệt giữa lao động
và sức lao động: Người công nhân bán cho nhà tư bản sức lao động chứ không phải
bán lao động, lao động không phải là hàng hóa, nên nó không có giá trị. Do vậy
tiền lương là giá cả và giá trị của sức lao động chứ không phải của lao động.
Qua đó C.Mác đã vạch rõ hơn nguồn gốc, bản chất của giá trị thặng dư.
* Quyển II: Quá trình
lưu thông tư bản
Marx trừu tượng hóa quá
trình sản xuất để nghiên cứu quá trình lưu thông, vạch rõ quan hệ bóc lột của
tư bản trong quá trình vận động của nó. Quá trình lưu thông được Marx nghiên cứu
ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là quá trình chuyển hóa
các hình thái của tư bản công nghiệp làm cho tư bản ngày càng phát triển.
Và lưu thông được xem xét trên hai phương diện: Lưu thông của tư bản cá biệt
hay là quá trình tuần hoàn và chu chuyển của tư bản. Lưu thông của tư bản xã hội
hay là quá trình tái sản xuất tư bản xã hội.
Các phát minh khoa học
của Marx trong quyển II:
- Phát hiện ra lý luận
tuần hoàn và chu chuyển của tư bản: Tuần hoàn và chu chuyển của tư bản chính là
quá trình vận động của tư bản qua ba giai đoạn, mang ba hình thái, thực hiện ba
chức năng để trở về hình thái ban đầu với một khối lượng lớn hơn, và quá trình
này được lặp đi lặp lại một cách có định kỳ.
- Bổ sung và hoàn thiện
lý luận tái sản xuất tư bản xã hội: Marx đã chia nền sản xuất tư bản thành hai
khu vực: Khu vực I - sản xuất tư liệu sản xuất và Khu vực II - sản xuất tư liệu
tiêu dùng; tính tổng sản phẩm trên cả 2 mặt: Mặt giá trị gồm: c + v + m. Mặt hiện vật gồm: tư liệu sản
xuất và tư liệu tiêu dùng; rút ra các quy luật hay điều kiện thực hiện tổng sản
phẩm xã hội của tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng; vạch ra tính chất
chu kỳ, tính tất yếu của khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp trong nền sản xuất
tư bản chủ nghĩa.
* Quyển III: Toàn bộ
quá trình sản xuất và lưu thông tư bản chủ nghĩa
Sau khi xem xét từng mặt
của quá trình sản xuất và lưu thông của tư bản, đến đây Marx tổng hợp lại để
nghiên cứu toàn bộ quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa nhằm tiến tới hiện thực
biểu hiện bề ngoài của xã hội tư bản. Quyển III, C.Mác nghiên cứu lý luận lợi
nhuận, lợi nhuận bình quân, giá cả sản xuất và các hình thức tư bản như: tư bản
thương nghiệp, tư bản cho vay, tư bản kinh doanh ruộng đất cùng với các hình thức
lợi nhuận tương ứng với các loại hình tư bản đó.
Các phát minh khoa học
của Marx trong quyển III:
- Phân biệt giữa giá trị
thặng dư và lợi nhuận: Đây là hai phạm trù có chung một nguồn gốc là do lao động
của công nhân tạo ra, nhưng lại biểu hiện những quan hệ khác nhau. Giá trị thặng
dư biểu hiện quan hệ bóc lột của tư bản đối với lao động làm thuê. Lợi nhuận biểu
hiện quan hệ giữa vốn và lời. Giá trị thặng dư là nội dung bên trong, lợi nhuận
là hình thức biểu hiện bên ngoài. Từ đó Marx còn phân biệt giữa tỷ suất giá trị
thặng dư và tỷ suất lợi nhuận.
- Phát hiện ra lợi nhuận
bình quân và giá cả sản xuất: Theo Marx từ giá trị thặng dư và giá trị biểu hiện
thành lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất là cả một quá trình chuyển hóa các
khâu trung gian do cơ chế cạnh tranh quyết định. Trong giai đoạn tự do cạnh
tranh, quy luật giá trị thặng dư biểu hiện thành quy luật lợi nhuận bình quân,
còn quy luật giá trị biểu hiện thành quy luật giá cả sản xuất. Cho nên nó đã
che lấp hoàn toàn quan hệ bóc lột của chủ nghĩa tư bản.
- Phát hiện ra địa tô
chênh lệch II và địa tô tuyệt đối: Theo Marx, địa tô không phải là tặng vật của tự nhiên,
mà nó là lợi nhuận
siêu ngạch ngoài
lợi nhuận bình
quân do công
nhân nông nghiệp tạo ra và bị nhà
tư bản chiếm không và nộp cho địa chủ. Địa tô tư bản chủ nghĩa được biểu hiện ở
hai hình thức: địa tô chênh lệch (địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II)
và địa tô tuyệt đối.
* Quyển IV: Lịch sử các
học thuyết về giá trị thặng dư
Lần đầu tiên học thuyết
giá trị thặng dư theo nghĩa rộng được Mác đề cập tới, khắc phục hạn chế của các
nhà kinh tế tư sản cổ điển. Vấn đề học thuyết giá trị thặng dư đã được tái tạo
một cách có hệ thống. Như vậy, trong bộ Tư bản, Marx đã vạch rõ bản chất và quá
trình vận động phát triển của chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở đó Marx khẳng định
chủ nghĩa tư bản không phải là một xã hội tồn tại vĩnh viễn, mà tất yếu sẽ được
thay thế bằng một xã hội mới cao hơn, tốt đẹp hơn, đó là chủ nghĩa cộng sản.
Karl Marx (1818-1883)
Những nội dung cơ bảntrong bộ “Tư bản”
Quyển I: Quá trình sản xuất của tư bản.
Những nội dung cơ bảntrong bộ “Tư bản”
Quyển I: Quá trình sản xuất của tư bản.