Friday, August 4, 2017

HỌC THUYẾT KINH TẾ CHÍNH TRỊ MARX-LENIN PHẦN 3/3

Những lý luận cơ bản của V.Lênin (1870-1924)
+ Lý luận về tái sản xuất tư bản xã hội: Trên cơ sở lý luận tái sản xuất tư bản xã hội của Marx, V.I.Lenin đã bổ sung thêm một số điểm cho sát với hiện thực của xã hội tư bản trong giai đoạn phát triển mới của nó. Ông chia khu vực I - khu vực sản xuất tư liệu sản xuất thành hai khu vực nhỏ: Khu vực sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sản xuất và khu vực sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu tiêu dùng; đồng thời ông cho cấu tạo hữu cơ c/v thay đổi, qua thực tiễn 4 năm, ông đã rút ra quy luật ưu tiên phát triển tư liệu sản xuất (thực chất là phát triển công nghiệp nặng). Do đó quy luật này chỉ phát huy tác dụng trong điều kiện nền đại công nghiệp cơ khí.

+ Lý luận về chủ nghĩa đế quốc: Chủ nghĩa đế quốc không phải là một chính sách, mà là một giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa tư bản, là kết quả của quá trình vận động phát triển dưới sự tác động của các quy luật kinh tế nội tại của nó, đặc biệt là quy luật cạnh tranh tự do đưa tới tập trung sản xuất. Tập trung sản xuất phát triển đến một mức độ nhất định thì dẫn tới độc quyền. Chủ nghĩa đế quốc có 5 đặc điểm kinh tế nổi bật: Tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền; Tư bản tài chính và đầu sỏ tài chính; Xuất khẩu tư bản; Các tổ chức độc quyền phân chia thị trường thế giới; Các nước đế quốc phân chia lãnh thổ thế giới. Chủ nghĩa đế quốc là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của chủ nghĩa tư bản. Tính đặc biệt thể hiện ở: Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản độc quyền, là giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa tư bản; Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản ăn bám, thối nát. V.I.Lenin cũng vạch rõ tính quy luật của việc chuyển chủ nghĩa tư bản độc quyền thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước (chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự dung hợp, lệ thuộc của nhà nước vào các tổ chức độc quyền và nhà nước trở thànhtư bản khổng lồ tham gia vào quá trình bóc lột công nhân). V.I.Lênin đã rút ra quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản. Do đó, Cách mạng vô sản có thể nổ ra ở một số nước, thậm chí ở một nước kinh tế kém phát triển.
Lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội: Dựa trên những tư tưởng của Marx, sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.I.Lênin đã vận dụng vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga thông qua hai mô hình:
Mô hình chính sách cộng sản thời chiến:  Đây là mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ có chiến tranh. Nội dung của mô hình: Tiến hành xóa bỏ sở hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất bằng cách quốc hữu hóa tài sản của giai cấp tư sản: ngân hàng, công nghiệp, thương nghiệp… để xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Tiến hành trưng thu lương thực thừa của nông dân để cung cấp cho quân đội và công nhân (nhà nước bắt nông dân phải thực hiện, lúc đầu là lúa mỳ, sau đó là tất cả các sản phẩm khác). Tiến hành quân sự hóa nền kinh tế, tức là chuyển việc sản xuất hàng tiêu dùng sang việc sản xuất hàng quân sự. Nhờ chính sách cộng sản thời chiến mà nước Nga non trẻ đã giữ vững được chính quyền, đánh thắng thù trong (phản kháng của giai cấp tư sản), giặc ngoài (14 nước đế quốc). Nhưng khi chấm dứt chiến tranh, chính sách cộng sản thời chiến đã đẩy nước Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế: kìm hãm sản xuất, triệt tiêu động lực phát triển kinh tế làm cho đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn. Trước bối cảnh đó V.I.Lênin phải thay đổi mô hình chính sách kinh tế cộng sản thời chiến bằng chính sách kinh tế mới.
Mô hình chính sách kinh tế mới - NEP: Là sự đổi mới của V.I.Lênin cả về phương diện lý luận cả về chỉ đạo thực tiễn về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ. Nội dung của mô hình: Về thời kỳ quá độ: Đối với những nước có nền kinh tế kém phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua một bước quá độ và tất yếu phải bắc một chiếc cầu trung gian, đó là chủ nghĩa tư bản nhà nước (liên doanh liên kết). Về sở hữu và các thành phần kinh tế: Sự tồn tại của các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế là khách quan, phải duy trì và sử dụng nó để tạo ra một cơ cấu kinh tế thống nhất, lúc đó ở Nga có 5 thành phần kinh tế: Nông dân kiểu gia trưởng; sản xuất hàng hóa nhỏ; chủ nghĩa tư bản tư nhân; chủ nghĩa tư bản nhà nước; chủ nghĩa xã hội.
Về phát triển kinh tế hàng hóa: Cần phải đẩy mạnh tự do trao đổi để phục hồi chủ nghĩa tư bản, đây là nội dung cơ bản của NEP; đẩy mạnh mối quan hệ giữa Nhà nước với nông dân, công - nông trên nguyên tắc bình đẳng; cần phải có vai trò của kiểm kê, kiểm soát của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế (cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước).
Về xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội: Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí. Chủ nghĩa xã hội bằng chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc. Trong điều kiện chiến tranh tàn phá phải tập trung phát triển công nghiệp vừa và nhỏ chứ không thể đi ngay vào phát triển đại công nghiệp cơ khí vì tiểu thủ công nghiệp chưa cần vốn lớn và dự trữ lương thực lớn ở địa vị trung tâm; chính tiểu thủ công nghiệp tác động trực tiếp đến lực lượng sản xuất nông nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp.

Về mô hình hợp tác xã: đây là con đường duy nhất, đúng đắn nhất và đơn giản nhất mà nông dân dễ tiếp thu để đi vào sản xuất lớn trên nguyên tắc tự nguyện của người nông dân. Như  vậy,  V.I.Lenin  là  người  bổ  sung,  phát  triển  học  thuyết  kinh  tế  của  Marx  và Ph.Angghen, hình thành nên học thuyết kinh tế Marx - Lenin.