Thursday, August 3, 2017

CHỦ NGHĨA TRỌNG THƯƠNG-PHẦN 3/3

MỘT SỐ TRƯỜNG PHÁI CHÍNH
Chủ nghĩa trọng thương nước Anh
Hình thức triệt để nhất của chủ nghĩa trọng thương ở Tây Âu thế kỉ thứ XVI, XVII là chủ nghĩa trọng thương ở nước Anh. Nước Anh là nước chủ nghĩa tư bản phát triển sớm nhất, cũng là nước trọng thương thể hiện rõ nét về hai giai đoạn phát triển của nó. Học thuyết trọng thương ở thế kỉ XIV – XVI phản ánh giáo điều kinh tế của
thuyết tiền tệ, cấm thương nhân không được mang tiền đúc của nước Anh ra nước ngoài và cho rằng có thể giải quyết các vấn đề kinh tế bằng biện pháp hành chính. Tác giả tiêu biểu của giai đoạn này là William Stafford (1554 – 1612) với tác phẩm “Trình bày có phê phán một số điều phàn nàn của đồng bào chúng ta” (xuất bản năm 1581). Trong đó W.Stafford tán thành chế định thương mại, cấm nhập khẩu hàng xa xỉ, cấm xuất khẩu tiền, đình chỉ việc đúc tiền giả… Đến thế kỉ XVII, học thuyết về bảng cân đối thương mại phát triển. Tác giả tiêu biểu của giai đoạn này là Thomas Mun (1571 – 1641) với tác phẩm “Kho tàng của nước Anh” hay “Bảng cân đối ngoại thương là công cụ điều tiết kho tàng của chúng ta” (xuất bản năm 1641). Trong tác phẩm này Thomas Mun đã phê phán thuyết tiền tệ, ông coi ngoại thương là công cụ bình thường và tốt nhất làm cho nước Anh giàu có và tích lũy tiền. Theo Thomas Mun việc xuất khẩu tiền nhằm mục đích buôn bán là chính đáng, theo ông “vàng đẻ ra thương mại, còn thương mại làm cho tiền tăng lên”. Thomas Mun còn khuyến nghị mở rộng các cơ sở công nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa,v.v… Nhờ cương lĩnh có ý nghĩa thực tiễn của bảng cân đối thương mại mà nền kinh tế của nước Anh đã phát triển. Dùng thương mại để cướp bóc thuộc địa và bóc lột các nước nông nghiệp ở châu Âu đã đáp ứng những đòi hỏi của giai cấp tư sản Anh trong thời kì tích lũy nguyên thủy của tư bản.
Chủ nghĩa trọng thương ở Pháp
So với nước Anh thì chủ nghĩa trọng thương ở Pháp không triệt để bằng, song so với các nước Tây Âu khác thì chủ nghĩa trọng thương ở Pháp khá đậm nét. Điều này thể hiện ở chỗ nước Pháp, công trường thủ công tư bản chủ nghĩa phát triển sớm, chế độ chuyên chế đã tạo ra những tiền đề chính trị để thực hiện cương lĩnh của chủ nghĩa trọng thương một cách có hệ thống. So với nước Anh, lý luận về chủ nghĩa trọng thương rất nghèo nàn, nhưng lại có thực tiễn phong phú của chính sách trọng thương. Các tác giả trọng thương ở Pháp có các ông Charles du Mouline (1500 – 1566), Jean Bodin (1530 – 1596), Montchrestien (1575–1621), Colbert (1619 – 1683). Chủ nghĩa trọng thương của Montchrestien (1575-1621) Monchrestien là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “kinh tế chính trị” (1615), là người đưa ra chính sách kinh tế của giai cấp tư sản mới hình thành theo tinh thần chủ nghĩa trọng thương. Quan điểm trọng thương của Montchrestien phản ánh sự quá độ giữa học thuyết trọng tiền và học thuyết trọng thương, đồng thời thể hiện sự thông cảm với quần chúng, nhất là nông dân. Ông lên án sự xa hoa của giai cấp quý tộc, đề cao chủ nghĩa dân tộc. Do đó chủ nghĩa trọng thương của ông mang màu sắc tiểu tư sản. Quan điểm trọng thương của Montchrestien thể hiện ở chỗ ông coi tiền là tiêu chuẩn của sự giàu có của một nước, nhưng sự giàu có không chỉ là tiền mà còn do số dân đông đúc nữa. Ông cho rằng lợi nhuận thương nghiệp là chính đáng. Trong hoạt động thương nghiệp, Montchrestien đề cao vai trò của ngoại thương. Montchrestien cũng đề nghị thành lập công xưởng, mở trường dạy nghề, bảo vệ của cải tự nhiên, đặc biệt là ông đề cao vai trò của nhà vua đối với hoạt động kinh tế. Từ những điều nói trên ta thấy chủ nghĩa trọng thương của Montchrestien là không triệt để song ông vẫn là một đại biểu nổi bật của chủ nghĩa trọng thương ở nước Pháp. Chủ nghĩa trọng thương của J.B.Colbert (1619 – 1683) Colbert đã đưa ra một hệ thống chính sách kinh tế theo quan điểm trọng thương. Người ta gọi hệ thống chính sách đó là chủ nghĩa Colbert (Colbertalisme). Theo Colbert nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tăng thu nhập cho Nhà nước bằng cách xây dựng bảng cân đối thương mại có lợi thông qua việc khuyến khích và xây dưng nền công nghiệp của nước Pháp, phát triển xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, thực hiện chính sách thuế qua bảo hộ. Để tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, Colbert đã chú ý phát triển thương nghiệp và vận tải, xây dựng các đội thương thuyền, thành lập các công ty độc quyền ngoại thương, tăng cường bóc lột các nước thuộc địa… Chính sách trọng thương của Colbert đã góp phần làm cho công nghiệp nước Pháp phát triển nhưng lại làm cho nông nghiệp sa sút, thị trường trong nước và sản xuất nguyên liệu giảm sút, nên kinh tế nước Pháp đi xuống rõ rệt. Trước hậu quả đó, Colbert bị cách chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và chủ nghĩa trọng thương ở Pháp đi vào con đường tan rã.
Chủ nghĩa trọng thương ở Tây Ban Nha
Ở Tây Ban Nha, học thuyết tiền tệ được phổ biến từ thế kỉ XVI, điều đó thể hiện ở việc cấm nghiêm ngặt việc xuất khẩu vàng và bạc. Đại biểu cho tư tưởng đó là Mariana (1573 – 1624). Sau đó có nhiều tác giả theo quan điểm của bảng cân đối thương mại trong đó nổi tiếng là Bernado–Ulloa, ông đã phân biệt thương mại xuất siêu, nhập siêu và buôn bán lẫn cho nhau, ông nhấn mạnh những ưu việt của thương mại xuất siêu vì nó làm cho kim loại quý (vàng) dồn về trong nước. Ulloa cũng đề ra nhiệm vụ phát triển rộng rãi nên công nghiệp của Tây Ban Nha, thành lập những dự trữ nguyên liệu cần thiết. Tất cả những điều nói trên đã khái quát sự trưởng thành và sự tan rã của chủ nghĩa trọng thương ở Tây Ban Nha.
Chủ nghĩa trọng thương ở một số nước khác
Chủ nghĩa trọng thương không phải chỉ xuất hiện ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, nó còn xuất hiện ở nhiều nước khác như Ý, Nga. Ở nước Ý, các nhà trọng thương đã có những đóng góp nhất định đối với vấn đề lưu thông tiền tệ, về thương mại… Những đại biểu như Skarufa, Davanxait đã đề nghị thủ tiêu hàng rào ngăn cách lưu thông tiền tệ giữa các nước, tạo ra một loại tiền tệ quốc tế. Một đại biểu khác như Antonio Serra đã phát triển tư tưởng về bảng cân đối thương mại, bác bỏ cấm đoán xuất khẩu tiền và điều tiết thị giá của đồng tiền, ông cũng đề nghị chú ý phát triển công nghiệp. Ở Đức, do sự thống trị của chế độ nông nô và hệ thống lao dịch của nó đã kim hãm sự phát triển kinh tế, mặt khác do ảnh hưởng của chế độ phường hội, quá trình tích lũy nguyên thủy của tư bản ở Đức tiến hành chậm chạp. Do đó chủ nghĩa trọng thương ở Đức phát triển phân tán, chưa có hệ thống rõ rệt. Khi nói về chủ nghĩa trọng thương ở Đức, người ta đã nói đến chủ nghĩa ngân sách (dạy về cách quản lý tiền của nhà vua). Nhưng chủ nghĩa ngân sách chưa biểu hiện rõ nét quan điểm trọng thương. Ở Nga thời kì thế kỉ XVI – XVII còn lạc hậu nhiều so với các nước châu Âu khác. Nhưng nhờ những cải cách của Pie đệ nhất (1672 – 1725) nên kinh tế nước Nga đã có những chuyển biến tích cực và bắt đầu đi vào con đường tư bản chủ nghĩa. Các cơ sở công nghiệp, công trưởng thủ công về thương mại đã phát triển và bắt đầu có xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Chính sách kinh tế của  Nga  hoàng  đã  góp  phần  đáng  kể  vào  việc  bảo  trợ  ngoại  thương,  tiến  tới  một  bảng  cân  đối thương mại có lợi và thu hút vàng vào trong nước. Lúc này ở Nga có tác phẩm “Về sự giàu và nghèo” của I.T.Paxoskop (1652 – 1726) đã đề cập tới nhiều vấn đề của chủ nghĩa trọng thương, trong đó có việc mở mang thương mại và công nghiệp. Mặc dù không biết đến thực tế kinh tế của các nước Tây Âu nhưng Paxoskop đã có những quan điểm kinh tế tiến bộ, ông được coi là nhà kinh tế học đầu tiên của nước Nga… Tóm lại: Chủ nghĩa trọng thương phát triển ở các quốc gia, gắn liền với sự phát triển kinh tế của những nước đó. Chính sách trọng thương có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển ở quốc gia này song cũng có thể lại dẫn đến kìm hãm kinh tế phát triển ở nước khác. Khi kinh tế phát triển đến một trình độ nhất định thì chủ nghĩa trọng thương đi vào con đường tan rã.